An toàn điện trên công trường xây dựng, các biện pháp phòng tránh tai nạn điện trong thi công xây dựng
Tai nạn do điện luôn chiếm số lượng lớn trong các tai nạn lao động trong ngành xây dựng, chỉ thua có tai nạn ngã cao.
Để phòng tránh tai nạn điện trong thi công xây dựng, phải có các biện pháp loại trừ nguy cơ người lao động tiếp xúc với vật mang điện. Trong phạm vi bài viết này sẽ nhận diện những nguy cơ từ sử dụng điện trên công trường và đề xuất một số biện pháp phòng tránh tai nạn.
1. Các nguy cơ từ sử dụng điện trong thi công xây dựng:
Trong xây dựng, thiết bị điện được sử dụng tại mọi công trình. Tuy nhiên, không như các tác nhân gây tai nạn khác có thể nhìn, nghe thấy hoặc cảm nhận được, tai nạn điện thường ít có biểu hiện cảnh báo trước, mặc dù đây là nguy cơ gây chết người.
Điện có thể gây hại cho con người trực tiếp (giật, phỏng) hoặc gián tiếp bằng cách gây cháy, nổ, tai nạn khác (như ngã cao).
Ví dụ: có tai nạn đã từng xảy ra khi công nhân thi công quét chống thấm trong bể chứa nước ngầm, sử dụng quạt máy thông gió đã làm bốc cháy không khí chứa hơi dung môi hóa chất chống thấm.
Vật mang điện mà người lao động có thể tiếp xúc dẫn đến tai nạn gồm:
- Thiết bị (cố định, di động), dụng cụ cầm tay.
- Đường dây điện trên cao hoặc gần vị trí làm việc
- Đường dây âm trong tường, sàn hoặc dưới mặt đất.
Tai nạn điện xảy ra khi sử dụng hoặc làm việc gần thiết bị điện thường xuất phát từ hai nguyên nhân:
a. Tưởng rằng không có điện, nhưng có điện (dây dẫn, bề mặt thiết bị…)
b. Biết có điện, nhưng người lao động không được huấn luyện thích đáng, không tuân thủ quy trình hoặc thiếu các cảnh báo thích hợp (đường dây tải điện trên cao, gần vị trí thao tác…).
2. Các biện pháp phòng tránh tai nạn điện trong thi công xây dựng:
a) Về tổ chức thi công
Đối với việc tổ chức, bố trí mặt bằng thi công phải xác định các vị trí dùng điện để lắp đặt hệ thống cung cấp điện trước khi thực hiện công tác thi công (tuyến đi dây, vị trí tủ điện). Công tắc đóng/ngắt tại các tủ điện phải được ký hiệu rõ ràng thiết bị mà nó điều khiển (phòng trường hợp vô tình khởi động thiết bị ngoài ý muốn).
Công nhân sử dụng thiết bị điện phải được huấn luyện, lành nghề. Nhân viên giám sát ATLĐ phải có kiến thức, kinh nghiệm về an toàn sử dụng điện.
Các bóng đèn trong hệ thống chiếu sáng cần được bảo vệ chống va đập làm bể bóng đèn vì có thể gây chạm, chập điện.
b) Về sử dụng thiết bị, dụng cụ
Thiết bị, dụng cụ sử dụng trên công trường chịu nguy cơ hư hại cao do điều kiện làm việc có nhiều tác nhân gây mài mòn, va đập… Do đó, phải lựa chọn thiết bị phù hợp môi trường làm việc (môi trường ẩm ướt làm giảm hiệu quả cách điện hoặc môi trường có khí dễ cháy…).
Phải bố trí người thực hiện giao dụng cụ cho công nhân sau khi được kiểm tra các nội dung sau (theo mục 3.3.2.1 - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với dụng cụ điện cầm tay truyền động bằng động cơ QCVN 09: 2012/BLĐTBXH):
- Kiểm tra tính hợp bộ và độ chắc chắn của những chỗ ghép, gắn, nối các bộ phận của dụng cụ điện cầm tay.
- Xem xét bên ngoài các bộ phận của máy (kiểm tra dây nguồn, ống bảo vệ dây, phích cắm, cách điện của vỏ, tay cầm, nắp che chổi than...).
- Kiểm tra bộ phận cắt mạch có làm việc dứt khoát không.
- Kiểm tra chạy không tải.
Cần thực hiện đo kiểm tra mỗi ngày cách điện thiết bị, dụng cụ cầm tay bằng máy đo cách điện chuyên dụng có độ nhạy dòng điện rò không quá 30mA, kết quả đo điện trở cách điện không được nhỏ hơn 2MΩ (hiện quy định tại mục 3.3.4.8 - QCVN 09: 2012/BLĐTBXH chỉ quy định đo ít nhất 6 tháng một lần là quá thấp)
Ngoài ra, cần kiểm tra định kỳ đối với những hư hỏng khó phát hiện bằng kiểm tra trực quan như:
- Dây tiếp địa bị đứt bên trong thiết bị
- Mất tính năng cách điện do bụi chứa mạt kim loại lọt vào bên trong thiết bị
c) Phòng tránh va chạm đường dây tải điện trên cao, lân cận khu vực thi công
Chạm vào đường dây tải điện để trần trên cao (có điện áp cao) thường dẫn đến tai nạn chết người hoặc bị thương nặng; gây cháy, nổ.
Các hoạt động dễ dẫn đến va chạm đường dây truyền tải điện công cộng:
- Sử dụng cần cẩu hoặc các thiết bị nâng;
- Sử dụng máy đào hoặc các thiết bị chuyển đất khác
- Di chuyển các cấu kiện có chiều dài lớn (như ống tube dàn giáo, tole lợp mái kích thước dài)
- Phun, xịt nước, các chất lỏng
Một số biện pháp phòng tránh va chạm đường dây tải điện:
- Liên hệ đơn vị điện lực chủ quản đường dây để có thông tin về khoảng cách an toàn tới đường dây
- Nếu có thể, cần điều chỉnh phương án thi công để loại trừ nguy cơ va chạm đường dây: giảm chiều dài thanh dàn giáo, tole lợp mái.
- Khi sử dụng các thiết bị trên mặt đất gần đường dây tải diện, cần bố trí rào chắn, xác định phạm vi ngăn tiếp cận đường dây
- Không tập kết vật tư, vật liệu xây dựng gần đường dây điện để tránh sử dụng thiết bị bốc dỡ có thể dẫn đến va chạm.